Loét dạ dày- tá tràng là một bệnh phổ biến ở nước ta cũng như các nước trên thế giới. Là một bệnh mạn tính, diễn biến có tính chất chu kỳ.
Nguyên nhân viêm loét dạ dày- tá tràng
Theo y khoa việt cho đến nay chưa tìm ra một nguyên nhân chung nhất cho loét dạ dày – tá tràng nhưng người ta thấy có một số yếu tố nguyên nhân tham dự vào, đôi khi phối hợp với nhau. Các yếu tố này có sự tham gia của di truyền, yếu tố về thần kinh và môi trường.
Yếu tố về di truyền
Tần suất cao ở một số gia đình, loét đồng thời xảy ra ở hai anh em sinh đôi cùng noãn nhiều hơn khác noãn.
Tâm lý: Do quá căng thẳng về thần kinh, do stress.
Do rối loạn nhịp điệu và tính chất của thức ăn.
– Ăn không đúng bữa, ăn quá nhanh, thức ăn nhiều gia vị và chất cay.
– Uống rượu, bia, hút thuốc lá…
Các thuốc kháng viêm steroid hoặc non steroid.
Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P)
Bệnh lý của một số cơ quan khác kèm theo loét dạ dày tá tràng như: U tụy, cường vỏ thượng thận, Basedow…
Triệu chứng lâm sàng viêm loét dạ dày- tá tràng
Triệu chứng cơ năng
* Đau bụng
– Vị trí đau: vùng thượng vị.
– Tính chất đau: nóng rát, bứt rứt, co rút…
– Tính chu kỳ: liên quan tới bữa ăn.
– Tính định kỳ: bệnh thường xuất hiện vào một mùa nhất định trong năm.
– Hướng lan: ra sau lưng, lan bên sườn trái.
* Nôn và buồn nôn
* Ợ hơi, ợ chua
Biến chứng
– Xuất huyết tiêu hóa: Nôn ra máu, đi cầu phân đen.
– Thủng ổ loét: Đau bụng dữ dội, đau như dao đâm, bụng cứng như gỗ, mất vùng đục trước gan, X quang bụng thẳng đứng có liềm hơi dưới cơ hoành.
– K hóa: Gầy sút, suy kiệt, cơn đau kéo dài.
– Hẹp môn vị: Đau liên tục, nôn ra thức ăn, cả những thức ăn của ngày hôm trước.