Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển. Đây là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
-
Suy dinh dưỡng nhẹ và vừa:
Hướng dẫn bà mẹ điều trị tại nhà, bảo đảm trẻ ăn đủ lượng và chất, khuyên bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú, nếu trẻ khó ăn có thể chia thành nhiều bữa trong ngày.
Thức ăn nấu nhừ, dễ tiêu, thành phần bữa ăn phải cân đối theo ô vuông
thức ăn.
Giữ ấm trẻ bằng cách bế nằm cạnh mẹ, ủ ấm bằng túi chườm, uống thêm nước hoa quả và tăng bữa bú để đề phòng hạ đường huyết.
Phát hiện sớm các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp, sởi, nhiễm trùng đường ruột … để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Theo dõi cân nặng hàng tuần, hàng tháng trên biểu đồ tăng trưởng.
-
Suy dinh dưỡng nặng:
Theo các Chuyên gia Y khoa Việt Nam các dấu hiệu cần nhận định ngay lần khám đầu tiên là cân trẻ, đo vòng cánh tay, đo chiều cao, đánh giá lớp mỡ dưới da. Đừng quên kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn ngày 3 lần, nếu nặng thì mỗi 3 giờ một lần để có thái độ xử lý kịp thời.
Đặt trẻ nằm ở phòng có nhiệt độ ấm, giữ ấm cho trẻ bằng cách quấn tã lót bằng vải mềm, ủ ấm bằng túi chườm. Cách ly trẻ suy dinh dưỡng nặng ra phòng riêng để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Vệ sinh răng miệng sau mỗi lần ăn uống, nếu có tựa lưỡi thì bôi glycerin borat 1% hoặc nystatin.
Tắm trẻ hàng ngày bằng nước ấm, nếu có các mảng sắc tố hoặc da bị lở loét cần bôi các dung dịch sát khuẩn như xanh methylen, tím gentian hoặc mỡ kháng sinh. Rửa sạch các vùng nách, bẹn, mông sau đó thấm khô, rắc bột tale.
Tiến hành thể dục trị liệu, xoa bóp tay chân, toàn thân cho trẻ ngày 3 lần, trở mình trẻ thường xuyên để ngừa loét.
Kiểm tra mắt ngay từ lúc mới nhập viện, có thể dùng thuốc nhỏ mắt chloramphenicol để ngừa nhiễm trùng ở mắt.
Trẻ có thể bị hạ đường huyết hoặc hạ thân nhiệt kèm theo. Nếu nhẹ thì cho uống nước đường, nước hoa quả hoặc sữa. Nếu nặng thì tiêm tĩnh mạch glucose 20-30%. Đảm bảo chế độ ăn đủ bữa, đủ lượng và đủ chất.
Đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ các vitamin và muối khoáng. Ngoài vitamin A (xem bài khô mắt do thiếu vitamin A) cần dùng thêm các vitamin nhóm B, C, K. Cho uống thêm kaliclorua 10% với liều 10ml/ngày.
Chú ý theo dõi lượng thức ăn của trẻ từng bữa và tính chất phân, nước tiểu bài tiết mỗi ngày, ghi vào bảng theo dõi để đánh giá khả năng tiêu hóa của trẻ. Phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, tiêu hóa, da để điều trị và chăm sóc kịp thời.
Những trường hợp kèm theo bệnh nhiễm khuẩn phải thực hiện các y lệnh chăm sóc đặc biệt như truyền dung dịch đạm, máu, huyết tương hoặc kháng sinh …