Gút là một bệnh chuyển hóa, đặc trưng là có những đợt viêm khớp cấp tái phát và lắng đọng natri urat trong các mô, gây ra do tăng acid uric trong máu.
Nguyên nhân bệnh gout
Nguyên nhân gây bệnh trực tiếp là do acid uric tăng cao trong máu.
Nguyên phát
Chưa rõ nguyên nhân, chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều purin như: Gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm, các loại thịt đỏ (bò, dê, chó…)… được coi là làm nặng thêm bệnh. Gặp 95% ở nam giới, độ tuổi thường gặp là 30- 60 tuổi.
Thứ phát
Có thể do tăng sản xuất acid uric, giảm đào thải acid uric hoặc cả hai, cụ thể:
- Suy thận nói riêng và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận nói chung
- Các bệnh về máu: Bệnh bạch cầu cấp
- Dùng thuốc lợi tiểu như Furosemid, Thiazid, Acetazolamid…
- Sử dụng các thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh ác tính như Ciclosporin, thuốc chống lao (Ethambutol)…
Gút do các bất thường về Enzym: Là bệnh di truyền do thiếu hoàn toàn hoặc một phần enzym hypoxanthine guanin phosphoribosyltransferase (HGPRT) hoặc tăng hoạt tính của enzym phosphoribosyl pyrophosphat synthetase (PRPP)
Các yếu tố nguy cơ của bệnh: Tăng huyết áp, béo phì và hội chứng chuyển hóa, uống nhiều rượu, tăng Insulin máu và sự đề kháng Insulin..
Cách đề phòng bệnh gout
Có thể phòng tránh được bệnh gút bằng việc thực hiện một chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và khoa học với mục đích tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chống lại các mầm bệnh và duy trì hàm lượng acid urid trong máu ở mức độ vừa phải. Chính vì thế, để đề phòng bệnh gout bạn cần:
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
- Lựa chọn cho mình một môn thể thao hay bài tập phù hợp và tập luyện đều đặn mỗi ngày, ít nhất là 5 lần/1 tuần, mỗi lần 30 phút.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế ăn các thực phẩm có tác dụng làm tăng hàm lượng acid urid trong máu.
- Uống đủ nước mỗi ngày để thanh lọc và giải độc cơ thể, có thể uống thêm nước khoáng kiềm để tăng khả năng bài tiết thải acid urid.
- Trong thực đơn hàng ngày nên ăn thêm: ngũ cốc, bánh mì trắng, các loại rau xanh, cà rốt, bắp cải, đậu phụ, hoa quả.
- Mỗi ngày chỉ nên ăn tối đa 15g thịt cần tránh ăn phủ tạng động vật (lòng lợn, tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi…), các loại thịt đỏ (thịt trâu, bò, chó, dê), các loại hải sản (tôm, cua, cá béo). Có thể ăn trứng, sữa, phomat, thịt trắng như thịt gia cầm, cá nạc.
- Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn và các chất kích thích.
Tránh ăn những món ăn, cay nóng, hạn chế gia vị trong chế biến bữa ăn hàng ngày, hạn chế những thức ăn chua như nem chua, dưa hành muối, canh chua, hoa quả chua, uống nước chanh… vì chính những chất chua lại làm bệnh nặng hơn.