Viêm khớp dạng thấp là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh khớp mạn tính. Là bệnh mang tính chất xã hội vì sự diễn biến kéo dài và hậu quả dẫn đến tàn phế, ảnh hưởng đến lao động, sinh hoạt của bệnh nhân và gia đình.
Theo các chuyên gia Y khoa Việt Nam bệnh gặp ở khắp nơi trên thế giới, chiếm 0,5 – 3% dân số người lớn, 6% phụ nữ Anh. ở Việt Nam có 0,5% trong nhân dân và 20% số bệnh nhân mắc bệnh khớp điều trị tại bệnh viện.
Bệnh hay gặp ở nữ (70 – 80%), tuổi trung niên (60 – 70%).
Một số trường hợp bệnh có tính chất gia đình.
Nguyên nhân
Người ta coi viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, có sự tham gia của nhiều yếu tố:
- Yếu tố tác nhân gây bệnh (chưa chắc chắn): Virus
- Yếu tố cơ địa: Vì có liên quan HLA DR 24.
- Yếu tố di truyền: Viêm khớp dạng thấp có yếu tố gia đình.
- Yếu tố thuận lợi: Chấn thương, cơ thể suy yếu, mệt mỏi, lạnh ẩm kéo dài…
Triệu chứng tại khớp
- Vị trí: Có thể bắt đầu bằng viêm một khớp, thường là khớp gối, khuỷu, cổ tay, cổ chân, khớp bàn ngón, khớp ngón gần, thường đối xứng hai bên…
- Tính chất: Trong các đợt tiến triển, các khớp sưng đau, nóng, ít khi đỏ. Đau kiểu viêm. Các khớp ngón gần thường có dạng hình thoi. Có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng, trong đợt tiến triển cứng khớp buổi sáng trên 1 giờ.
- Diễn biến: Các khớp viêm tăng dần và nặng dần sang các khớp khác, dẫn đến dính khớp và biến dạng ở tư thế nửa co và lệch trục về phía xương trụ (bàn tay gió thổi, ngón tay hình cổ cò), khớp nối ở tư thế nửa co, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay của người thợ thùa khuyết… Các khớp bị hủy hoại như vậy sẽ khiến bệnh nhân nhanh chóng trở thành tàn phế.
Triệu chứng toàn thân và ngoài khớp
* Toàn thân: gầy sút, mệt mỏi, ăn ngủ kém, da xanh, niêm mạc nhợt, rối loạn thần kinh thực vật, …
* Da:
– Hạt dưới da (5%): là hạt, cục nổi lên khỏi mặt da mặt độ chắc, không đau, không di động, không dò, đường kính khoảng 0,5 – 2cm. Số lượng một vài hạt.
* Cơ, gân, dây chằng, bao khớp: Teo cơ rõ rệt vùng quanh khớp tổn thương, viêm gân, co kéo dây chằng, kén hoạt dịch ở chân
* Nội tạng: Hiếm khi bị tổn thương, có thể tổn thương tim, hô hấp, hạch, lách, xương mất vôi
* Tổn thương mắt, thần kinh, chuyển hoá
Tiến triển, biến chứng, tiên lượng
+ Tiến triển
Kéo dài nhiều năm, 25% tiến triển từng đợt, có giai đoạn lui bệnh, có khi nặng lên do bội nhiễm, chấn thương …
+ Biến chứng và tiên lượng
Biến chứng:
- Nhiễm khuẩn: lao …
- Chèn ép thần kinh gây liệt.
- Tai biến do dùng thuốc.
Tiên lượng: Nặng nếu tổn thương nhiều khớp, có tổn thương nội tạng.