Thói quen ít vận động, ít hoạt động ngoài trời và lượng canxi thấp trong chế độ ăn uống là một số nguyên nhân gây bệnh loãng xương. Sau đây là một số loại thuốc điều trị loãng xương và lưu ý khi sử dụng.
- Các bước tiến hành sơ cứu người bị gãy xương
- Loãng xương gây hại những gì cho sức khỏe?
- Những cách phòng ngừa bệnh loãng xương hiệu quả
Dược sĩ tư vấn các loại thuốc điều trị loãng xương và lưu ý khi sử dụng
Loãng xương là căn bệnh gì?
Các bác sĩ tư vấn cho biết, bệnh loãng xương là căn bệnh nhiều người mắc phải hiện nay, đó là sự chuyển hóa của xương dẫn đến giảm mật độ khoáng của xương, làm cho xương yếu và dễ gãy. Người bệnh thường không có triệu chứng cho đến khi xương bị gãy.
Gãy xương do nguyên nhân loãng xương thường gặp nhất là ở các bộ phận như hông, cổ tay hoặc cột sống. Gãy cột sống dẫn đến tư thế khom lưng, mất chiều cao và đau lưng mãn tính. Gãy xương do loãng xương một vấn đề lớn về sức khỏe, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
Bác sĩ Anh Tú, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, điều trị bệnh loãng xương bằng thuốc chống loãng xương không chỉ giúp tăng khối lượng xương mà còn làm giảm đáng kể nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên việc chữa trị bằng thuốc kê đơn cần được sử dụng nghiêm ngặt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Các thuốc điều trị loãng xương hiện nay
Theo Kiến thức y học, các loại thuốc chống loãng xương theo đường uống hiện nay gồm có:
Chất bổ sung canxi và vitamin D:
Các thuốc bổ sung này dùng khi chế độ ăn không cung cấp đủ.
+ Canxi: Bổ sung 500 – 1.500mg hàng ngày.
+ Vitamin D: Bổ sung 800 – 1.000 UI/ngày.
Điều trị bệnh loãng xương
Các thuốc chống hủy xương:
Bác sĩ dựa trên cân nhắc về tuổi tác, giới tính, sức khỏe tổng quát và lượng xương đã mất để kê đơn thuốc phù hợp. Các thuốc bao gồm:
+ Bisphosphonat: Đây là loại thuốc hoạt động theo cách làm chậm quá trình mất xương, có thể làm giảm nguy cơ gãy xương. Thời gian sử dụng thuốc liên tục từ 3-5 năm. Thuốc bisphosphonat được sử dụng trong việc điều trị và phòng chống loãng xương và gãy xương cho các đối tượng phụ nữ sau mãn kinh; người cao tuổi; người phải dùng lâu dài thuốc kháng viêm glucocorticoide…
+ Calcitonin: Loại thuốc này được chế tạo từ một loại hormone từ tuyến giáp và được dùng trong chữa trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, những trường hợp không thể dùng hoặc không dung nạp được các thuốc chữa loãng xương khác.
Loại thuốc này được chỉ định sử dụng ngắn ngày (khoảng 2 đến 4 tuần) trong trường hợp mới gãy xương, đặc biệt có kèm biểu hiện đau. Không dùng lâu ngày, khi người bệnh giảm đau, điều trị tiếp bằng các thuốc nhóm Bisphosphonat (uống hoặc truyền tĩnh mạch).
+ Estrogen chủ vận/đối kháng: Loại thuốc này còn gọi là chất điều biến thụ thể estrogen chọn lọc (SERM) và phức hợp estrogen chọn lọc mô (TSEC), được dùng trong chữa và phòng loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Chúng có tác dụng cải thiện mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương.
+ Estrogen và liệu pháp hormone: Được dùng để phòng bệnh loãng xương và gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên sử dụng liệu pháp hormone ở liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất để hạn chế tác dụng phụ, và khi các loại thuốc khác không giúp ích. Cần cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro và lợi ích của phương pháp này trong chữa trị loãng xương.
+ Các nhóm thuốc khác có thể phối hợp trong những trường hợp cần thiết.
Lưu ý cần biết khi sử dụng thuốc chống loãng xương
Dược sĩ giảng viên Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, cũng tương tự như nhiều loại thuốc khác, thuốc loãng xương cũng có các tác dụng phụ. Do đó khi sử dụng thuốc người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị, không được tự ý sử dụng.
Những thông tin trên đây không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ khi điều trị.
Nguồn: Ykhoaviet.edu.vn Tổng hợp.