Bộ Y tế đã có công văn số 2080/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống bệnh sởi.
- Bạn không thể coi thường những cảnh báo sức khỏe từ mái tóc
- Đối tượng thuộc diện xét tuyển Cao đẳng Điều dưỡng năm 2018?
- Trong cuộc cách mạng 4.0, sinh viên Cao đẳng Y Dược có nhiều cơ hội việc làm
Bộ y tế chỉ đạo tăng cường phòng chống bệnh sởi
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay số trường hợp mắc bệnh sởi ghi nhận rải rác chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc (Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Yên Bái,…), tập trung chủ yếu tại các khu vực di biến động dân cư cao, ở các đối tượng chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, đã có các trường hợp mắc bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, không để bùng phát dịch bệnh, theo thông tin y tế cập nhật được: Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở y tế phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau: Tổ chức rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ ở tất cả các xã, phường trên địa bàn, thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét, không để sót đối tượng, lưu ý các địa bàn có di biến động dân cư, vùng sâu, vùng xã, vùng đồng bào dân tộc sinh sống;
Đẩy mạnh thực hiện tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tất cả các trẻ em được tiêm vắc xin sởi đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95% quy mô xã, phường.
Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, trường hợp bệnh nhẹ cho trẻ nghỉ học cách ly tại nhà.
Đặc biệt, tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng sởi và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch tiêm chủng. Hỗ trợ đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, sinh phẩm, kinh phí, nhân lực cho tuyến quận huyện, xã phường đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trẻ em nên đưa đi tiêm phòng sởi
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá về tỷ lệ tiêm chủng, công tác đảm bảo an toàn trong tiêm chủng cũng như các hoạt động sẵn sàng thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị bệnh nhân.
Về tình hình dịch sởi, theo trang Y khoa Việt đưa tin tại hội nghị phòng chống dịch bệnh năm 2018 của Bộ Y tế diễn ra mới đây, PGS. TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, phân tích cho thấy đến thời điểm này, số ca mắc sởi tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái với gần 90 trường hợp (trong năm 2017, cả nước chỉ ghi nhận 141 trường hợp mắc sởi, chủ yếu tại miền Bắc). Đáng lưu ý, qua điều tra dịch tễ, trong số các trường hợp mắc sởi có 54 ca mắc (chiếm 38,3%) ở độ tuổi dưới 9 tháng tuổi. Trong đó 54 trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 bé không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng bày tỏ lo ngại khi dịch sởi có thể bùng phát trong năm nay, đặc biệt với trẻ dưới 15 tuổi và dưới 9 tháng tuổi. Hơn nữa, theo quy luật cứ 4 năm dịch sởi sẽ quay lại một lần, tại miền Bắc đã xảy ra dịch lớn năm 2013-2014 với hơn 5.000 ca mắc và trên 100 trẻ tử vong, trong khi đó tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người và các khu công nghiệp còn thấp nên nguy cơ dịch bùng phát rất lớn.
Nguồn: Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn